Chi phí sinh hoạt tại Nhật hết bao nhiêu trong một tháng?
Bạn đang có ý định đi du học Nhật Bản hoặc tham gia các chương trình lao động tại Nhật Bản nhưng chưa hình dung được mức sinh hoạt phí thực tế ở đây như thế nào? Ý kiến của nhiều người cho rằng chi phí ở Nhật rất đắt đỏ đã khiến bạn cứ mãi lo lắng và không dám bắt đầu hành trình đến xứ sở mặt trời mọc? Hãy cùng Thanh Giang giải tỏa nỗi lo lắng đó qua việc tìm hiểu chi phí sinh hoạt tại Nhật hàng tháng trong bài viết dưới đây.
Chi phí sinh hoạt tại Nhật hết bao nhiêu? Gồm những khoản gì?
1.Tiền nhà
Tùy theo từng khu vực và loại hình nhà ở mà giá tiền thuê nhà sẽ khác nhau. Nếu bạn sống ở ký túc xá nhà trường, công ty hay cùng bạn bè thuê nhà riêng thì chi phí sẽ dao động từ 15.000 yên/ tháng.
Trường hợp thuê nhà một mình thì tiền nhà sẽ khoảng 50.000 yên/ tháng. Tùy theo khu vực bạn ở, các trang thiết bị trong nhà mà chi phí có thể nhiều hơn.
Tiền nhà tại Nhật tùy thuộc vào loại hình nhà ở mà bạn sử dụng, có thể là phòng trọ hay ký túc xá
Như vậy tiền nhà sẽ dao động khoảng 15.000 – 50.000 yên/ tháng. Để tiết kiệm tiền nhà nhất bạn nên ở ký túc xá hoặc thuê nhà riêng cùng bạn bè sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.
Cách đóng tiền nhà ở Nhật Bản cũng khá đơn giản:
- Du học Nhật Bản thường các bạn sẽ ở trong ký túc xá hoặc tự thuê ở ngoài. Tùy vào trường hợp mà sẽ đóng thông qua nhà trường hoặc trực tiếp cho chủ nhà.
- Xuất khẩu lao động Nhật Bản theo diện thực tập sinh, điều dưỡng và hộ lý sẽ được công ty trừ tiền nhà trực tiếp vào lương hàng tháng.
Cũng giống như Việt Nam, khu vực thủ đô Tokyo và các thành phố lớn như Osaka sẽ có giá thuê nhà cao nhất. Để tiết kiệm chi phí hơn, bạn nên chọn những thành phố cạnh hay các khu vực xung quanh để tiết kiệm tiền nhà hơn. Và lựa chọn sống chung là một cách hữu hiệu để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở Nhật hàng tháng.
2.Tiền điện nước
Tiền điện ở Nhật cũng giống như khi thuê nhà ở Việt Nam tức trả theo số điện. Tùy vào các thiết bị điện trong nhà bạn sử dụng mà tiền điện mỗi tháng của mỗi người sẽ khác nhau.
Thông thường việc đóng tiền điện nước sinh hoạt hàng tháng sẽ như sau:
Du học sinh, sinh viên ở trong ký túc xá thì sẽ đóng tiền điện qua nhà trường.Trường hợp thuê nhà ở ngoài thì sẽ đóng cho chủ nhà hoặc đóng trực tiếp cho công ty điện nước. Đối với thực tập sinh Nhật Bản thì tiền điện nước hàng tháng sẽ trừ trực tiếp vào lương
Lấy ví dụ một căn hộ có đầy đủ các thiết bị như nồi cơm điện, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, tivi, quạt điện… thì tiền tiện sẽ dao động trong khoảng 2500 – 8000 yên/ tháng. Khoản chi phí này đã bao gồm cả các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính, đèn học… Nếu bạn ở chung thì tiền điện chỉ khoảng 2500 – 3000 yên, còn nếu bạn ở một mình thì tiền điện có thể lên tới hơn 8000 yên.
Tiền nước mỗi tháng ở Nhật khoảng từ 1500 – 2500 yên/ tháng. Mùa hè tiền nước có thể tăng hơn một chút. Tuy nhiên độ chênh lệch không quá lớn giữa các tháng, bạn có thể dễ dàng căn chỉnh đúng tiền nước mỗi tháng mình dùng. Tiền nước cũng không hết quá nhiều nếu bạn dùng chung và lựa chọn nhà trọ đóng tiền theo khối nước sử dụng.
3.Tiền ăn uống
Tiền ăn uống là chi phí tốn kém nhất khi sống ở Nhật. Ở Nhật thực phẩm thường cao hơn so với ở Việt Nam. Tùy theo khu vực bạn sống nông thôn hay thành phố mà giá thực phẩm sẽ có sự chênh lệch nhau.
Thông thường, nếu bạn mua nguyên liệu, thực phẩm và tự nấu ở nhà thì chi phí ăn uống sẽ rơi vào khoảng 20.000 – 30.000 yên/ tháng. Đây là mức chi phí cho bữa ăn một người, nếu bạn ăn chung thì chi phí có thể sẽ tiết kiệm hơn.
Chi phí ăn uống tại Nhật Bản khá tốn kém, nếu ăn hàng thì bạn sẽ mất khoảng 30.000 yên/tháng
Còn nếu bạn thường xuyên ăn ngoài quán thì chắc chắn tiền ăn uống sẽ vượt xa con số 30.000 yên rất nhiều. Ngoài ra, bạn cũng nên tính toán đến khoản chi phí ăn vặt, chi phí ăn uống khi đi chơi cùng bạn bè… Tùy theo mức độ chi tiêu của bạn mà tiền ăn uống có thể tăng thêm ít nhiều. Khoản chi phí này cũng tốn của bạn không ít tiền đó!
4.Tiền mạng
Tiền mạng ở Nhật sẽ khoảng 3500 yên/ tháng cho một người dùng. Đây là gói mạng được dùng phổ biến ở Nhật, tốc độ truy cập mạng nhanh. Do đó, bạn nên dùng chung mạng vừa giúp bạn tiết kiệm tiền mà tốc độ truy cập cũng không ảnh hưởng nhiều. Tùy theo nhà mạng bạn đăng ký mà chi phí có thể dao động trên dưới 4500 yên.
Một lời khuyên cho bạn là nên đăng ký mạng tại các siêu thị điện máy. Bởi bạn sẽ nhận được khuyến mại thẻ điểm khoảng 30.000 yên khi mua các thiết bị điện hay đồ gia dụng… Nhìn chung, nếu bạn share tiền mạng thì khoản chi phí này cũng không tốn nhiều lắm, có thể bù trừ cho các khoản khác.
5.Tiền ga
Ở Nhật dùng ga nấu ăn hay đun nước nóng khá phổ biến. Thông thường tiền ga mỗi tháng của du học sinh hay TTS khoảng 1500 yên, vào mùa đông có thể tăng lên gấp đôi tức 3000 yên/ tháng. Bởi mùa đông ở Nhật rất lạnh, nhiều vùng có tuyết rơi, bạn sẽ phải thường xuyên phải đun nước nóng để tắm rửa.
Nếu bạn nấu ăn bằng bếp điện hay sử dụng bình nóng lạnh thì chi phí tiền điện sẽ tăng lên. Sử dụng bếp điện sẽ đảm bảo an toàn, tiện lợi hơn so với sử dụng bếp ga. Tuy nhiên, chi phí dùng ga vẫn rẻ hơn so với tiền điện, do đó bạn nên cân nhắc trước sử dụng ga hay bếp điện để nấu ăn.
6.Tiền điện thoại
Nếu bạn chỉ sử dụng điện thoại để liên lạc, gọi điện hay nhắn tin thì tiền điện thoại mỗi tháng sẽ khoảng 1500 – 2500 yên/ tháng. Nếu bạn đăng ký sử dụng mạng thì chi phí sẽ tăng lên khoảng 6000 – 7000 yên/ tháng.
Để tiết kiệm nhất, bạn có thể phát wifi từ điện thoại cho các thiết bị khác như laptop, tivi… Ngoài ra, các nhà mạng ở Nhật Bản cũng thường xuyên có các gói khuyến mãi cho sinh viên, du học sinh nước ngoài.
Nếu bạn và người thân ở Việt Nam đều có internet thì có thể dễ dàng liên lạc với nhau qua các ứng dụng như facebook, skype, line… Các ứng dụng này cho phép bạn liên lạc mà không mất phí vừa có thể nói chuyện với nhau qua màn hình. Đây là cách giúp bạn tiết kiệm tiền điện thoại hiệu quả nhất bởi phí cước quốc tế từ Nhật gọi về Việt Nam khá đắt, trung bình khoảng 125 yên/phút.
7.Các khoản chi phí phát sinh
Ngoài các chi phí ở trên bạn cũng cần quan tâm đến chi phí khác sẽ phát sinh như tiền đi lại, tiền mua đồ dùng, tiền mua quần áo… Tùy theo mỗi tháng, mỗi người mà khoản chi phí này sẽ khác nhau.
Bên cạnh tiền sinh hoạt tối thiểu thì bạn còn tốn các khoản chi phí phất sinh như đi chơi, giao lưu gặp mặt bạn bè
Trung bình mỗi tháng bạn sẽ tiêu khoảng 3000 – 5000 yên cho các món đồ lặt vặt, chi phí phát sinh, nếu bạn có nhiều khoản chi khác thì chi phí phát sinh sẽ càng tăng cao. Nhìn chung thì tổng chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản hàng tháng sẽ như sau:
Du học sinh: tối thiểu 50,000 yên trở lên.
TTS Nhật Bản: 40,000 yên trở lên, lương cơ bản càng cao thì thuế thu nhập và tiền bảo hiểm càng nhiều.
Cần lưu ý gì về chi phí sinh hoạt tại Nhật?
Tùy theo từng cá nhân mà mức phí này có thể tăng thêm hoặc giảm đi. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở Nhật tốt nhất, bạn nên hạn chế các khoản chi không đáng có, tự nấu ăn ở nhà, hạn chế mua đồ linh tinh, tiết kiệm sử dụng điện.
Ngoài ra, tận dụng thẻ tích điểm cũng là cách giúp bạn tiết kiệm khi mua sắm đấy! Đồng thời việc lựa chọn khu vực sống cũng ảnh hưởng đến khoản chi phí sinh hoạt của bạn.
Đây là những số liệu để cho các bạn tham khảo, tùy mỗi khu vực và theo mùa, theo thói quen sinh hoạt của mỗi người mà các chi phí trên có thể thay đổi. Hy vọng bài viết phần nào giúp các bạn Du học sinh và TTS hiểu thêm về chi phí sinh hoạt tại Nhật, tránh những bỡ ngỡ khi sang đó.
Riêng tại Thanh Giang, các bạn khi tham gia chương trình Du học hay làm việc tại Nhật Bản đều được đào tạo kỹ càng về cách chi tiêu tại Nhật cũng như kiến thức cần thiết khác. Điều đó sẽ giúp các bạn sớm ổn định và làm quen với cuộc sống tại Nhật Bản. Nếu các bạn cần giải đáp các thông tin hãy liên hệ với Thanh Giang qua hotline 0918 58 2233 để được tư vấn hoàn toàn miễn phí. Thanh Giang – Trao cơ hội, Vững tương lai.
Việt Tuấn