Cosplay là gì? TOP 3 lễ hội cosplay Nhật Bản đặc sắc nhất
Khi ai đó vô tình nhắc đến cosplay chắc hẳn bạn và tôi đều sẽ nghĩ ngay đến cosplay Nhật Bản. Những cô gái chàng trai trẻ tuổi hóa thân thành các nhận vật anime nổi tiếng, những thần tượng của họ,… Những hình ảnh này có lẽ không còn xa lạ trên những con phố đi bộ, trong các lễ hội văn hóa Nhật Bản ở các trường đại học… Và bạn biết không không phải tự nhiên mà cosplay lại được gắn liền với Nhật Bản như thế, bởi ở Nhật cosplay là một trong những lễ hội được mong chờ trong năm.
Tìm hiểu về văn hóa cosplay Nhật Bản
Cosplay ở Nhật Bản là gì?
Văn hóa Cosplay ở Nhật Bản trở thành xu thế đặc trưng và là điểm độc đáo của đất nước này. Đến với xứ sở hoa anh đào, bạn sẽ thấy văn hóa Cosplay có một đời sống riêng và nó đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm tưởng của giới trẻ Nhật Bản.

Cosplay là một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo ra, viết tắt của “costume” (trang phục) và “roleplay” (nhập vai), và được phát âm là kosupure ở Nhật, đây được xem như là một nét văn hóa đặc trưng trong giới trẻ Nhật Bản.
Từ này chỉ việc người hâm mộ các nhân vật trong manga, anime, tokusatsu, truyện tranh Nhật Bản, tiểu thuyết đồ họa, video games, phim giả tưởng, trong game hay thần tượng âm nhạc của họ hoặc bất kỳ ai họ hâm mộ rồi ăn mặc hoặc có điệu bộ giống nhân vật mà mình yêu thích. Những người này được gọi là Cosplayers (ở Nhật đôi khi gọi tắt là reya). Họ có thể lập các nhóm/câu lạc bộ để luyện tập và diễn cùng nhau. Ngoài ra, họ còn tham gia vào các sự kiện, lễ hội liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật có nhân vật giả tưởng được yêu thích, hoặc thậm chí tổ chức sự kiện riêng để biểu diễn.
Lịch sử của Cosplay Nhật
Từ cuối thập niên 1960, ở Hoa Kỳ, trong các lễ hội khoa học viễn tưởng (SF convention), đã có tiết mục biểu diễn của những người ăn mặc đóng giả các nhân vật trong các tác phẩm hư cấu, gọi là tiết mục masquerade. Các lễ hội hư cấu khoa học từ Hoa Kỳ đã lan sang nhiều nước khác, trong đó có Nhật Bản.
Bắt đầu từ việc hóa trang thành tiểu thuyết gia nổi tiếng
Văn hóa Cosplay ở Nhật Bản lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1978, trong một Đại hội khoa học giả tưởng diễn ra tại hồ Ashinoko, tỉnh Kanagawa. Vào thời điểm đó đã có một nhà phê bình văn học hóa trang thành tiểu thuyết gia nổi tiếng Edgar Rice Burroughs.
Đến những chiếc áo i hệt các nhân vật anime
Vào khoảng năm 1982, một nhóm bạn trẻ ăn mặc theo nhân vật manga, anime và game đầu tiên xuất hiện tại một comiket nhỏ ở Nhật. Nhưng lúc ấy họ chỉ mặc áo những chiếc áo T-shirt có in hình nhân vật họ yêu thích mà thôi. Một năm sau, vào năm 1983 mới có người thiết kế và mặc bộ trang phục Cosplay giống hệt một nhân vật trong “Urusei Yatsura”.
Và cuối cùng cần đến một người lan tỏa văn hóa cosplay là Takahashi
Đến năm 1984, một người tên là Nobuyuki Takahashi (Chủ tịch của Studio Hard – công ty sản xuất phim live-action như “Ringu”, “L: Change the World”…) khi ấy vẫn còn là phóng viên lên đường tham dự Worldcon (Đại hội Khoa học giả tưởng thế giới) tại Los Angeles để viết bài cho các tạp chí ở Nhật. Anh đã kinh ngạc toàn phần trước những gì mình chứng kiến: rất nhiều người ăn mặc theo các nhân vật trong “Star Trek” hay “Star Wars”. Và anh đặc biệt ấn tượng với vũ hội hóa trang.
Trở về Nhật, Takahashi lập tức phát tán rộng rãi những thông tin mắt thấy tai nghe, với hy vọng teen Nhật sẽ ủng hộ phong trào này và biến nó thành bản sắc văn hóa riêng. Nobuyuki Takahashi đã suy nghĩ rất nhiều để tìm ra tên gọi cho phong trào này, cuối cùng vận dụng thói quen rút ngắn từ của người Nhật, anh dừng lại ở từ “Cosplay” viết tắt của “Costume play”. Từ đó, văn hóa Cosplay ở Nhật Bản đã xuất hiện và phát triển ngày càng mạnh mẽ, không chỉ trong hội chợ comiket mà còn xuất hiện tại các Đại hội khoa học giả tưởng trong nước và nhiều Hội chợ truyện tranh không chuyên khác.
5 kiểu cosplay phổ biến ở Nhật Bản
Bạn đừng nhầm lẫn trang phục của Cosplay với các trang phục của lễ Halloween nhé. Bởi mỗi trang phục là một câu chuyện, một nhân vật nổi tiếng có tính cách, đặc điểm riêng biệt. Cosplay không chie khoác lên mình những bộ trang phục đó là xong mà còn là sự mô tả, bắt chước các hành động, dáng đi, lời nói, tính nết, lẫn cách xử sự phải được trau chuốt một cách cẩn thận.
Cosplay nhân vật anime/manga

Cosplay nhân vật anime/manga có lẽ là loại hình Cosplay phổ biến nhất, chất lượng cũng vì thế mà đứng đầu danh sách luôn. Đối với những ai mới tập tành cosplay, đây có lẽ là một thử thách “khó nhằn” bởi vì những người cosplay các nhân vật anime/manga thường tự mình làm trang phục.
Không chỉ bộ cánh tương tự như trong truyện hay phim hoạt hình, họ còn phải biết cách trang điểm, làm tóc sao cho giống; chưa kể những bộ tóc giả cũng phải biết chỗ để màn hóa thân thêm phần trọn vẹn.
Cosplay Lolita
Lolita là một loại hình tiểu văn hóa cosplay cũng khá thịnh hành ở Nhật Bản mà các cosplayer (cách gọi dành cho những người cosplay) sẽ mặc những bộ trang phục: một là ngọt ngào đáng yêu hay là “đen toàn tập”, dún bèo, có ren, mang đến cảm giác thời kì Trung cổ.
Lolita được xem là một phong cách thời trang. Bởi vì khá đắt tiền nên trang phục cosplay Lolita khó lòng mà dành cho những ai chỉ muốn thử để biết.
Cosplay Hầu gái
Cosplay Nữ sinh

Nữ sinh Nhật Bản trong những bộ đồng phục là hình tượng được được nhiều bạn trẻ lựa chọn để cosplay. Vì bề ngoài trông trẻ hơn tuổi thật, nhiều cosplayer Nhật Bản trông giống hệt như nữ sinh trung học dù họ đã tốt nghiệp ghế nhà trường từ lâu rồi.
Cosplay Miko
Miko (巫女) là những vu nữ (“nữ pháp sư”) ở các thần xã tại Nhật Bản. Hình ảnh các vu nữ trong quần Hakama đỏ và áo Kimono trắng vừa tinh khiết, trong sáng, vừa bí ẩn, mang trong mình những năng lực siêu nhiên, thế nên, các cosplayer không thể nào bỏ qua được.
So với những loại trang phục trên, trang phục vu nữ không được phổ biến bằng, nhưng bù lại, cực kì đáng yêu nên nhiều người rất thích.
Khám phá những lễ hội cosplay Nhật Bản được giới trẻ mong chờ nhất
Comic Market hay Comiket
Là hội chợ dōjinshi lớn nhất thế giới tổ chức hai lần mỗi năm ở Tokyo, Nhật Bản. Comiket đầu tiên được tổ chức vào ngày 21 tháng 12 năm 1975, với chỉ khoảng 32 circle doujin và 600 người tham dự. Số người tham dự tăng lên hàng năm và đến nay đã có hơn nửa triệu khách tham quan mỗi kỳ. Comiket ngày nay thường được tổ chức vào giữa tháng 8 (NatsuComi) và cuối tháng 12 (FuyuComi) hàng năm tại Tokyo Big Sight.

Comiket chính là nơi để các tác giả giới thiệu, bày bán các sản phẩm dōjinshi của mình, là nơi các fan của anime và manga không chỉ trong nước mà còn là những fan nước ngoài, những cosplayer hội tụ để thể hiện niềm đam mê dành cho nét văn hóa Nhật Bản đặc biệt này.
AnimeJapan (Tokyo Big Sight)
Nhật Bản vốn nổi tiếng với ngành công nghiệp anime, manga,.. vì vậy để quảng bá cho nền công nghiệp và văn hóa anime manga, hằng năm vào mùa xuân, AnimeJapan được tổ chức, đây chính là cơ hội quý giá cho người hâm mộ và khách du lịch tiếp cận và tham gia vào thế giới của anime. Sự kiện này đã diễn ra ở Tokyo Big Sight, thành phố Tokyo vào khoảng cuối tháng 3.

AnimeJapan không chỉ hội tụ các xưởng sản xuất anime, nhà xuất bản và các nhà sản xuất hàng hóa mà còn cả các công ty giao dịch với âm nhạc, game, sở thích, trường học và các công ty và tổ chức khác kết nối với nhau. Vì vậy mà nó đã thu hút một lượng khách tham dự rất lớn, hàng ngàn cosplayer đều hội tụ về đây để giao lưu văn hóa với nhau, đem lại giá trị lớn về kinh tế và tinh thần.
World Cosplay Summit
Thật không thể bỏ qua World Cosplay Summit khi nhắc đến top lễ hội cosplay lớn nhất Nhật Bản được, bởi vì nó được coi là một sự kiện cosplay lớn nhất trên hành tinh, và có cả sự hỗ trợ của Bộ Ngoại Giao, Bộ Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp, và Bộ Đất Đai, Cơ Sở Hạ Tầng và Giao Thông Nhật Bản.
World Cosplay Summit có rất nhiều cuộc thi, và những đại diện thắng cuộc thi vòng loại ở nhiều nước khác nhau sẽ tụ tập về thành phố Nagoya ở tỉnh Aichi để tham dự vòng thi chung kết. Sự kiện này sẽ kéo dài nhiều tuần với hàng loạt hoạt động lớn nhỏ khác nhau diễn ra từ khu vực Tokai cho tới Kanto và Kansai, rồi tất cả dẫn đến vòng chung kết ở tuần đầu tiên trong tháng 8.
Đây còn được nhắc đến như một “Đại hội võ lâm” của các cosplayer nổi tiếng như Enako, Nadiask và Mogu, Reimu Hakurei,… với những PJ siêu khủng, đầu tư cao về trang phục, phụ kiện, chất lượng không cần bàn cãi.
>>>Có thể bạn quan tâm: 5 bộ phim hoạt hình Nhật Bản cho “FAN CỨNG” anime
Trên đây là những chia sẻ thú vị về cosplay Nhật Bản. Nếu bạn đang là một du học sinh hay người lao động Nhật Bản và yêu mến văn hóa cosplay hãy tham gia những lễ hội trên để có thể hiểu thêm và thả mình vào những giây phút đắm chìm trong một nét văn hóa đặc biệt của xứ Phù Tang, một nhân vật anime, một thần tượng mà bạn yêu thích nhé!