Sushi Nhật Bản có mấy loại? – Góc biết tuốt về Sushi Nhật
Sushi được mệnh danh là tinh hoa của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Mỗi khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản có lẽ sushi là món ăn nổi tiếng nhất. Vậy điều gì giúp sushi trở nên đặc biệt đến vậy? Có bao nhiêu loại sushi, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nguồn gốc của Sushi Nhật Bản
Sushi Nhật Bản là gì?
Sushi Nhật Bản là một món ăn truyền thống của người Nhật gồm cơm trộn giấm (shari) kết hợp với các nguyên liệu khác (gọi là neta). Neta và hình thức trình bày sushi rất đa dạng, nhưng nguyên liệu chính mà tất cả các loại sushi đều có là shari. Neta phổ biến nhất là hải sản. Thịt sống cắt lát gọi riêng là sashimi.
Sushi Nhật Bản có từ khi nào?
Vào khoảng thế kỷ thứ 4, người dân ở khu vực Đông Nam Á đã phát kiến ra cách dùng muối để ướp cá và cho lên men trong gạo để bảo quản. Sau khi bảo quản cá xong, gạo sẽ được bỏ đi. Cách bảo quản cá này cũng được lưu truyền ở Nhật và cho tới thời Heian, nó được sử dụng để làm thức ăn với cái tên Narezushi. Vốn là đất nước thích gạo nên kể từ thời Muromachi trở đi, gạo sau khi dùng để bảo quản cá sẽ không bị bỏ đi mà được ăn cùng với cá. Tới thời Edo, người Nhật đã nghĩ ra một loại Sushi với cái tên Hayazushi. Khác với cách truyền thống, món Sushi này không được cho lên men mà trộn với giấm để làm chua gạo.
Từ xưa, người Nhật đã biết cách ủ cá, tôm, hải sản vào nắm cơm để giữ được mùi vị thơm ngon. Khi ủ, cơm thường được trộn với một chút giấm cho chua chua ngọt ngọt. Mà cũng chính vì thế mà cá ủ trong cơm được chuyển hóa thành sushi.

Một số thuật ngữ khi nói đến Sushi Nhật Bản
Sumeshi (sushimeshi): loại cơm trộn giấm để làm sushi.

Giấm awasesu: loại giấm để nấu cơm này không phải giấm thông thường mà là giấm có pha muối, đường, rượu ngọt Mirin (cho vào hỗn hợp giấm hoặc không cần thiết). Giấm này được chuyên dùng để chế biến sushi, nên còn được gọi là sushisu.
Tarai: cơm sau khi được nấu xong (nấu không chín hoàn toàn như cơm bình thường) sẽ được cho vào một chậu gỗ (sau đó thì trộn với giấm). Cơm vừa được trộn vừa được nghệ nhân sushi dùng quạt tay để quạt cho hơi nóng thoát ra ngoài, giúp cho giấm giữ được hương vị.
Neta: các loại hải sản dùng để làm sushi. Neta có thể là cá ngừ, cá hồi, cá chình, cá nóc, cá thu, tôm (nhất là loại tôm mà người Nhật gọi là sakura ebi), mực, bạch tuộc, các loại ốc biển, cua biển,… Có thể dùng gạo lứt để làm sushi cho người ăn kiêng.
Các loại sushi Nhật Bản
Sushi của người Nhật có nhiều biến tấu khác nhau, nhưng cơ bản nhất thì có 6 loại:
Nigiri Sushi

Nói đơn giản Nigiri là các viên Sushi nhỏ dài, khá thon thả, được phết lên một lớp wasabi rồi phủ lên một lớp cá sống hoặc các loại hải sản khác. Nigiri trong tiếng Nhật có nghĩa là “bóp”, “nén” và đó cũng là cách những viên Nigiri sushi này tạo ra.
Maki Sushi

Từ “Maki” trong tiếng Nhật có nghĩa là “cuộn” nên Maki Sushi có nghĩa “Sushi cuộn”. Loại Sushi này được làm bằng cách trải đều một lớp cơm sushi lên trên tấm rong biển và ở trên cùng là một lớp gồm hải sản hoặc rau củ sau đó cuộn lại. Cuộc sushi sẽ được cắt ra thành những mảnh nhỏ vừa ăn.
Uramaki

Lại là món Sushi cuộn, nhưng món này đặc biệt ở chỗ nó “lộn ngược vào trong”. Nếu như các cuộn Sushi khác đều có lá rong biển bên ngoài với cơm bên trong thì Uramaki ngược lại, cơm bên ngoài, rong biển và nhân thịt, cá hoặc rau củ bên trong.
Gunkan

Gunkan dịch ra nghĩa là “chiến hạm”, “thuyền chiến”, cũng không phải vì nó gắn với sự kiện lịch sử hay con tàu nào, vì bản thân nó trông giống như một chiếc thuyền nhỏ chở đầy trứng cá, trứng tôm hay trứng cầu gai… Màu sắc sặc sỡ từ trứng giúp món ăn trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt thành phần dinh dưỡng cao từ trứng cá khiến Gunkan Sushi trở thành món ăn cực kỳ bổ dưỡng.
Oshizushi
Oshizushi là một loại sushi được làm bằng cách nhấn các khối cơm trong một khuôn đặc biệt có dạng hình hộp, sau đó được lấy ra và cắt thành miếng vừa ăn hình chữ nhật hoặc hình vuông. Không giống như cơm nắm Nigiri, phía trên Oshizushi được đặt đồ ăn mỏng và khô hơn. Khi được đưa lên bàn ăn, Oshizushi có màu sắc đẹp như một bàn cờ, mùi vị cũng rất tuyệt vời khi ăn kèm mù tạt và nước tương đậm vị.
Chirashi Sushi
Chirashi Sushi là món được phục vụ trong một bát tô, cơm được đặt ở phía dưới cùng, bên trên phủ một vài nguyên liệu (thường là Sashimi, rau củ) ăn kèm với nước sốt Miso cay nồng được rưới lên trên bề mặt món ăn, càng khiến món ăn và hương vị trở lên hấp dẫn và khó có thể cưỡng lại được.
Đố bạn biết sushi và kimbap có gì khác nhau?
Chúng có vẻ bề ngoài hao hao nhau cũng là bởi vì kimbap là món ăn có xuất xứ từ món Makizushi (sushi cuộn rong biển – 1 trong 6 loại sushi của Nhật Bản) nhưng đã được người Hàn biến tấu cho khác đi. Vậy nên thoạt nhìn bên ngoài, nhiều người thường nhầm lẫn giữa kimbap và sushi Maki.

Đầu tiên thì chúng khác nhau ở chỗ tên gọi rồi @@. Nhưng ở đây chúng ta sẽ tìm thêm một vài điểm khác nhau nữa nhé!
Sushi | Kimbap | |
Về nguyên liệu | Cơm trộn đều với giấm | Cơm trộn đều với dầu mè |
Về phần nhân | Các nguyên liệu sống như các loại hải sản, trứng cá sống và rau củ quả tươi. | Các nguyên liệu đã được sơ chế chín như: xúc xích, thanh cua, trứng và các loại rau củ cuộn trong lá rong biển. Vậy nên hương vị của 2 món sẽ có sự khác biệt rõ rệt. |
Về kích cỡ | Về kích cỡ bên ngoài, bề ngang kimbap thường lớn hơn sushi vì phần nhân bên trong có nhiều thành phần nguyên liệu. Với cùng 1 kích cỡ lá rong biển, sau khi gói xong và thái lát, sẽ được khoảng 12 khoanh kimbap | Với sushi Maki thì chỉ được 6 khoanh. Đó là do cách thái sushi Maki thường khá dày. |
Nước chấm kèm | Khi ăn sushi Maki, vì có nguyên liệu sống nên thường sẽ chấm kèm với nước tương, mù tạt và gừng đỏ ngâm chua. | Còn với kimbap, do các nguyên liệu đã được nêm gia vị nên khi thưởng thức thường không ăn kèm nước chấm. |
Cách làm sushi Nhật Bản siêu đơn giản
Nguyên liệu làm sushi
- 2 bát gạo Nhật (bạn có thể thay bằng gạo dẻo)
- 2 muỗng cà phê dầu mè
- 2 muỗng cà phê dấm
- 1 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng cà phê đường
- Nhân sushi: Sử dụng các nguyên liệu là trứng chiên, thanh cua, dưa leo, bơ sáp
Hướng dẫn cách làm sushi đơn giản
Bước 1: Nấu cơm
Vo sạch gạo Nhật sau đó các bạn ngâm vào nước ngoài trong khoảng 4 tiếng rồi nấu như cơm bình thường, khi cơm đã chín dùng vá xới tơi cơm lên rồi cho ra bát. Pha các nguyên liệu dầu mè, dấm, muối, đường theo tỷ lệ trên sau đó rưới lên cơm rồi tiến hành trộn đều tay sao cho cho cơm thật dẻo, không bị nát là được. Để cơm nguội rồi cuộn.
Bước 2: Làm trứng chiên
Đập 2 quả trứng vào bát, sử dụng 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng đường, 1/2 muỗng bột ngọt, 1 muỗng cà phê hạt nêm, sau đó đánh đều sau đó chiên trứng như bình thường. Khi trứng đã chín tiến hành cắt thành từng miếng nhỏ.
Bước 3: Cuộn sushi
Các bạn tiến hành trải thanh cuốn ra, sau đó xếp rong biển lên thanh cuốn, cho cơm vào và rải đều lên sau đó lần lượt xếp các nguyên liệu vào rồi cuộn lại 1 cách khéo léo sao cho thật chặt để khi bỏ thanh cuộn ra vẫn còn nguyên khối. Tiếp theo các bạn dùng dao thật sắc để cắt sushi cuộn thành từng khoanh nhỏ.
Bước 4: Pha nước chấm
Cho nước tương vào bát và thêm 1 muỗng cà phê dấm, 1 muỗng cà phê đường, một chút ớt bộ. Có thể trang trí thêm một chút cho món ăn hấp dẫn hơn.
>>>Có thể bạn quan tâm: Cách làm cơm nắm Nhật Bản cá ngừ mayonnaise đơn giản nhất, bạn đã biết chưa?
Hy vọng những chia sẻ của Xkld Nhật bản sẽ giúp bạn hiểu thêm về một món ăn đại diện của xứ Phù Tang, cho một nền văn hóa ẩm thực lâu năm phong phú, nếu bạn có cơ hội đến Nhật Bản hãy thưởng thức nha. Nếu không thì làm thử món sushi Nhật Bản này cũng vô cùng thú vị đấy. Chúc các bạn thành công với món sushi Nhật Bản ngon miệng và bổ dưỡng.