Danh sách 10 loại mì Nhật Bản “ăn liền” nhất định phải thử 1 lần trong đời
Có thể nói rằng Nhật Bản chính là “cha đẻ” của những gói mì ăn liền hiện đại, đưa mì ăn liền trở thành món ăn tiện lợi phủ sóng toàn cầu như hiện nay. Đặc biệt có hẳn bảo tàng mì ăn liền ở Nhật. Vậy nên nếu bạn là một “fan cứng” của mì ăn liền thì không thể bỏ lỡ 10 loại mì Nhật Bản nổi tiếng dưới đây nhé!
Ai là người phát minh ra mì ăn liền đầu tiên trên thế giới?
Đối với nhiều người trong chúng ta, mì ăn liền dường như là một phần tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng thỉnh thoảng bạn có thắc mắc ai phát minh ra mì ăn liền – một món ăn tiện lợi và được cả thế giới đón nhận? Mì ăn liền có tự khi nào? Trên thực tế, mì ăn liền được xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1958 do Momofuku Ando phát minh ra, ông đồng thời cũng là nhà sáng lập công ty thực phẩm Nissin nổi tiếng ở Nhật Bản. Vậy nên không ngạc nhiên mấy khi những hộp mì của Nissin lại đứng ở vị trí đầu bảng.
Cũng giống như nhiều phát minh tuyệt vời khác, mì ăn liền ra đời xuất phát từ nhu cầu xã hội thời bấy giờ. Vào lúc ấy, Nhật Bản vẫn chìm trong nạn thiếu lương thực sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thức ăn chủ yếu là bánh mì được làm từ bột mì do Mỹ cung cấp. Mặc dù người dân Nhật Bản thích ăn mỉ hơn, nhưng thời bấy giờ không có công ty nào đủ lớn và có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu này của người dân.
Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, Momofuku Ando đã dành nhiều tháng trời để tìm tòi và hoàn thiện một phương pháp chiên mì ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn giúp người sử dụng có thể bảo quản mì trong thời gian dài trước khi nấu. Bằng phương pháp đó, Nhật Bản đã cho ra đời sản phẩm mì ăn liền đầu tiên trên thế giới với tên gọi Chikin Ramen.
Các loại mì ăn liền Nhật Bản nhất định phải thử một lần trong đời
Nền ẩm thực Nhật Bản vô cùng phong phú va có rất nhiều điều đang chờ bạn khám phá. Từ những món ăn cầu khi cho đến những món ăn tiện lợi chế biến nhanh gọn như mì ăn liền.
Mì cốc Nissin ngôi vị quán quân trong vương quốc mì ăn liền

Bao bì hộp xốp màu trắng của Cup Noodle (mì cốc) đã trở thành một biểu tượng không lẫn vào đâu được trên các kệ hàng của các quầy tạp hóa. Sau hơn 50 năm hoạt động, công ty đã giới thiệu rất nhiều dòng sản phẩm mì với nhiều hương vị vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, nếu bạn lần đầu thưởng thức mì ăn liền, hãy thử ba dòng sản phẩm mì cốc nổi tiếng nhất là Classic (nguyên bản), Seafood (hải sản) và Curry (cà ri) xem sao nhé!
Mì Raoh – “vua mì ramen” trong tiếng Nhật
Tên gọi “Raoh” là tên viết tắt của “Ramen Oh” có nghĩa là “vua mì Ramen” trong tiếng Nhật. Đúng như tên gọi của nó, dòng sản phẩm Raoh của Nissin bao gồm các loại mì ramen ăn liền với nhiều hương vị khác nhau như vị Tonkotsu Soy Sauce (nước dùng thịt heo và sốt xì dầu) trong bức ảnh trên đây. Không giống như những loại mì ăn liền thông thường được sản xuất bằng cách chiên ở nhiệt độ cao, Raoh là loại mì không chiên với sợi mì làm hoàn toàn từ bột mì nguyên cám để tạo nên bề mặt tuyệt vời khiến sợi mì khá giống với mì ramen tươi. Dòng sản phẩm Raoh này đắt hơn đôi chút so với các dòng sản phẩm khác của Nissin nhưng cũng rất đáng để thưởng thức bạn nhé.
Mì ăn liền Maruchan Seimen
Mặc dù không lớn và nổi tiếng như Nissin nhưng Maruchan cũng là một thương hiệu phổ biến với các hộ gia đình trên toàn thế giới. Được thành lập vào năm 1953, công ty bắt đầu sản xuất mì ăn liền vào năm 1977 và ngày nay có sản lượng tiêu thụ lên tới 3.6 tỷ gói mì mỗi năm.

Với thiết kế dạng bát to hơn loại cốc của dòng sản phẩm Cup Noodle thông thường, mì Maruchan Seimen có nhiều nước mì hơn và lượng topping phong phú với các loại rau, tôm hoặc những miếng thịt lợn đầy đặn. Loại mì ăn liền này còn nổi tiếng với sợi mì ngon sánh ngang các sản phẩm mì tươi. Những thực khách muốn thưởng thức món mì ramen chất lượng cao chắc chắn sẽ cảm thấy hài lòng khi lựa chọn sản phẩm Seimen này.
Mì ăn liền Miso Ramen của nhà Sapporo Ichiban
Gia nhập thị trường mì từ năm 1966, Sapporo Ichiban được xem là “người đến sau” so với Nissin và Maruchan, nhưng dòng sản phẩm mì ăn liền của hãng đã tăng trưởng một cách nhanh chóng và chỉ thua kém một chút so với hai gã khổng lồ trong ngành sản xuất mì gói kể trên. Mì gói của hãng đã nổi tiếng ở thế giới phương Tây đến nỗi hãng có luôn một nhà máy sản xuất đặt ở bang California, Mỹ để phục vụ cho những người dân ở đây.

Để tạo nên hương vị miso cho sản phẩm mì của Sapporo Ichiban, nhà sáng lập của công ty đã tìm đến quê hương của loại súp này: thung lũng mì Ramen ở thành phố Sapporo, Hokkaido. Sau khi đã “phải lòng” hương vị miso ở địa phương, ông đã dành ra 3 năm để tìm một công thức hoàn hảo bằng cách kết hợp 7 loại miso khác nhau tạo nên hương vị chuẩn cho sản phẩm của mình. Tương truyền món mì miso ramen trở nên phổ biến trên khắp nước Nhật chính là nhờ sản phẩm mì miso ramen của Sapporo Ichiban.
Mì ăn liền Nhật Bản Peyoung Yakisoba

Peyoung là nhà sản xuất mì nổi tiếng với món mì yakisoba ăn liền. Bên cạnh loại sản phẩm truyền thống pha trộn vị mặn và ngọt, hãng còn đưa ra nhiều hương vị độc đáo khác như mì yakisoba cà ri, vị lá mùi hoặc mì ăn kèm thịt mỡ.
Bên cạnh hương vị thơm ngon, Peyoung còn nổi bật với những sản phẩm mì yakisoba mới lạ như dòng sản phẩm mì yakisoba siêu cay có dán nhãn cảnh báo không dành cho trẻ em và những người không chịu được vị cay hoặc món mì yakisoba “Super Super Super Big GIGAMAX” chứa gần 2.142 calo và 120gr chất béo. Nếu bạn đang muốn đào tạo trở thành một đô vật sumo thì có thể đưa món mì này vào trong thực đơn hàng ngày của mình.
>>>Có thể bạn quan tâm: Sumo Nhật Bản nặng bao nhiêu? Làm sao để trở thành sumo Nhật bản
Mì gói gia vị ‘bụi vàng’ gây tranh cãi tại Nhật Bản

Nhiều người thích thú với món mì ‘xa xỉ’, số khác lại cho rằng đây là việc điên rồ.
Tháng 5 năm 2019, thương hiệu Peyoung mì yakisoba nổi tiếng tung ra sản phẩm mì gói… rắc bụi vàng. Tờ Soranews24 cho hay, công ty Peyoung đã cho ra mắt món mì sốt yakisoba với bụi vàng nguyên chất. Lượng người săn đón thức quà “phiên bản giới hạn” độc đáo này tăng rần rần.
Mì rắc bụi vàng giống với mì yakisoba thông thường, bao gồm mì, gói gia vị, toppings khô và nước sốt. Sự khác biệt nằm trong một ít bụi vàng được đóng gói riêng. Việc chế biến món mì cũng đơn giản như làm mì thông thường, sau đó rắc thêm gói gia vị bụi vàng có sẵn là xong. Một hộp mì yakisoba bụi vàng có giá 250 yen (2,25 USD), đắt hơn một lần rưỡi mì gói ăn liền thông thường, giá 170 yen (1,53 USD). Khách hàng đã phải bỏ thêm khoảng 80 yen (0,72 USD) cho một gói bột vàng được làm từ vàng thật.
Món mì đặc biệt này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi kể từ khi được bán rộng rãi trong các siêu thị tiện lợi. Một vài người cho rằng đây là cách thức và ý tưởng độc đáo. Tuy nhiên, nhân vật trải nghiệm P.K cho hay món mì này chẳng khác mì yakisoba ăn liền bình thường là mấy. Việc trả một mức giá cắt cổ (theo tiêu chuẩn của Peyoung) chỉ để có được gói bụi vàng là quá xa xỉ và hoang phí.
Nissin Donbei Tempura Soba
Nissin Donbei Tempura Soba là loại mì soba ăn liền được yêu thích nhất ở Nhật Bản. Nước súp nhẹ và tinh tế kết hợp cùng tempura giòn là điểm thu hút của loại mì này. Có 3 loại sản phẩm khác nhau, phù hợp với thị hiếu của từng vùng ở Tây Nhật Bản, Đông Nhật Bản và Hokkaido. Đặc biệt, loại Nissin Donbei Tempura Soba được bán ở Tây Nhật Bản là phiên bản phổ biến nhất với nước súp thơm hương vị của Konbu (rong biển) và Bonito cùng một chút tiêu Sansho.
Mì ramen sữa chua cà ri
Đây có lẽ là món nằm cùng “xê-ri” các loại mì sữa chua. Ở phương Tây, nhiều người sử dụng sữa chua để nấu cà ri, giúp cho món cà ri có kết cấu mềm mượt và béo hơn nên có lẽ đây cũng không lạ lắm. Tuy nhiên, các món mặn có kem thường ăn kèm với các loại pasta phong cách phương tây, nên khi kết hợp với mì ly kiểu châu Á, khiến mọi người thấy rất lạ lẫm. Một số người khác cho rằng do người Nhật ít ăn cay nên việc thêm sữa chua vào cà ri có thể giúp trung hoà vị cay và hợp khẩu người dân nơi đây hơn.
Hamburger ramen và hot dog ramen

Đây là một sự kết hợp độc đáo và mới lạ từ Hamburger, hot dog và ramen là 3 món ăn độc lập; những thứ chẳng hề liên quan với nhau và từ những nền ảm thực của những quốc gia khác nhau. Người ta thắc mắc rằng hộp mì ăn liền này sẽ chứa bánh hamburger và hot dog bên trong, hay thực ra không chứa gì, giống mì ăn liền bình thường và chỉ khác mùi vị? Câu trả lời này hiện vẫn chưa có lời giải đáp cho người Nhật không xuất khẩu những hương vị này, nên thực khách nào tò mò thì chỉ còn cách tự đi hỏi.
Super Cup 1,5 lần Tonkotsu Ramen
Loại Super Cup của Acecook được bán ra từ năm 1988 và trở thành loại mì ăn liền bán chạy nhất tại Nhật Bản trong nhiều năm. Vì đã có một số lượng lớn người dùng yêu cầu có nhiều mì hơn, Acecook quyết định tăng lượng mì từ 60g lên 90g (gấp 1,5 lần). Do đó, Super Cup 1,5 lần Tonkotsu Ramen được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế nhất của người dùng và Tonkotsu là hương vị được phổ biến và chọn mua nhiều nhất.
Đến với Nhật Bản có thể bạn sẽ bị bối rối trong vương quốc mì, bởi nơi đây thị trường mì vô cùng phong phú. Vậy nên hy vọng những chia sẻ của Xkld Nhật sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn được món mì mang hương vị đặc trưng của xứ Phù Tang. Ngày nay đến các siêu thị lớn bạn cũng có thể dễ dàng mua các loại mì Nhật Bản đấy. Cuối tuần bạn có thể đổi vị ngay nha!